KHEN NGỢI TÍCH CỰC (POSITIVE ENCOURAGEMENT) KHI XEM THÀNH PHẨM NGHỆ THUẬT CỦA TRẺ TỪ 5-11 TUỔI

ĐÓN NHẬN TRẺ VÀ TÁC PHẨM CỦA TRẺ CÙNG LỜI KHEN NGỢI TÍCH CỰC

Mời ba, mẹ hãy thử nhớ lại về lần gần nhất ba, mẹ đã đưa ra lời khen khi các bạn nhỏ khoe những tác phẩm của mình. Khi đó, ba mẹ đã đưa ra lời khen như thế nào? Ba mẹ quan sát thấy phản ứng như thế nào từ các bạn? Và ba, mẹ cảm thấy hay có những suy nghĩ nào sau khi đưa ra lời khen?

Lời khen ngợi tích cực là lời phản hồi tập trung vào việc ghi nhận và khen ngợi những nỗ lực, sự tiến bộ và các chi tiết cụ thể trong tác phẩm và quá trình thực hiện nghệ thuật của trẻ thay vì tập trung vào những cảm nhận tới từ bên ngoài. Trong phạm vi bài viết, lời khen ngợi tích cực sẽ được hiểu và dịch là ‘encouragement’ để phân biệt với lời tán dương (‘praise’).

Những lời khen ngợi tích cực sẽ có những lợi ích sau đối với các bạn nhỏ:

  • Đạt được niềm vui trong công việc. Những lời khích lệ có thể là:“Mẹ thấy con trông rất vui, con thích vẽ khủng long lắm nhỉ?” hoặc “Ba thấy con rất kiên nhẫn thực hiện tác phẩm”. Các bạn hẳn sẽ rất hạnh phúc khi những điểm thú vị và độc đáo tới từ chính mình được nhìn thấy và ghi nhận!
  • Nuôi dưỡng sức mạnh nội tại. Người lớn cần tin rằng trẻ em có động lực nội tại và các bạn sẽ tích cực hợp tác, học hỏi nếu động lực nội tại được đáp ứng. Lời khen tích cực sẽ củng cố cho trẻ niềm tin vào chính mình, cung cấp sự tự tin và động lực để các bạn nhỏ đưa ra những lựa chọn tích cực và bền vững cho chính bản thân mình.
  • Hiệu quả lâu dài của những lời khen ngợi tích cực là xây dựng sự độc lập, năng động và khả năng tự đánh giá và nhận xét. Trẻ sẽ tìm thấy động lực tự thân khi bản năng tò mò được ghi nhận, khuyến khích và hỗ trợ. Khi một bạn nhỏ có thể tự tạo động lực cho chính mình, bạn sẽ có sức khỏe tinh thần vững chắc hơn và không lệ thuộc vào sự công nhận tới từ người khác.

3 TÂM THẾ QUAN TRỌNG CỦA THỰC HÀNH KHEN NGỢI TÍCH CỰC

Sau đây là ba tâm thế quan trọng mà ba mẹ cần chú tâm trong quá trình xem tranh, đặt câu hỏi và đưa ra lời khen ngợi:
  1. Bắt đầu với tâm thế muốn được hiểu và kết nối, đối với tác phẩm của trẻ. Tại lúc này, cảm xúc đối với tác phẩm và nhu cầu được lắng nghe của các bạn nhỏ là điều cần được chú tâm nhất để đón nhận và ghi nhận. Sau đó, nếu cần thiết, ba mẹ mới nên đưa vào sự góp ý, điều chỉnh hoặc phát triển cho bạn.
  2. Chân thành khi khen ngợi trẻ. Tác phẩm là sự phản ánh của cá tính riêng, mức độ nỗ lực và chú tâm của trẻ trong quá trình sáng tạo. Do đó, lời khen nên được truyền đạt cùng sự chân thành. Hãy đưa lời khen một cách vừa đủ và hạn chế cảm giác “làm quá”.
  3. Lưu tâm tới cách bạn trò chuyện với trẻ về tác phẩm. Không chỉ nội dung, cách bạn trò chuyện và khen ngợi trẻ như ngôn ngữ cơ thể hoặc âm lượng nói, khi được để tâm tới, sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm và sẵn sàng để chia sẻ.
Một lưu ý rằng, khi thời điểm xem tranh trùng với khoảng thời gian bận rộn, ba mẹ không cần thiết phải ngay lập tức đón nhận tranh. Hãy chia sẻ rõ ràng với trẻ về sự bận rộn của mình (các bạn sẽ hiểu và chấp nhận) và chắc chắn rằng: Trong khoảng thời gian mới này, ba mẹ sẽ dành sự chú tâm lắng nghe cho các bạn như đã trao đổi. Điều này sẽ giúp các bạn học được tính trân trọng của một lời hứa.

4 BƯỚC ĐÓN NHẬN, THƯỞNG THỨC VÀ GHI NHẬN THỰC HÀNH NGHỆ THUẬT Ở TRẺ

Trước những tác phẩm nghệ thuật đầy tính hồn nhiên và không có hình dạng cụ thể, ba mẹ thường cảm thấy như thế nào? Nếu ba, mẹ cảm thấy bối rối hoặc chưa biết cần bắt đầu từ đâu, sau đây là 4 bước cơ bản để đón nhận và tận hưởng niềm vui từ những tác phẩm nghệ thuật của trẻ.
Bước 1: Đón nhận

Bước 2: Xem tranh

Bước 3: Lắng nghe chia sẻ & Đặt câu hỏi cho trẻ

Bước 4: Ghi nhận & cổ vũ

Bước 1: Đón nhận tranh của trẻ

Ngay trước cả việc đưa ra lời khen ngợi, cổ vũ hoặc đặt ra những câu hỏi, ba mẹ nghĩ mình nên làm gì nhỉ? Bước ‘Đón nhận tranh’ sẽ giúp ba mẹ xác lập tâm thế của chính mình khi chưa biết cần phản ứng như thế nào hay khen ngợi như thế nào khi xem tranh.

Mời ba, mẹ cảm nhận nhanh chính mình nhé!
  • Ngôn ngữ cơ thể: Thư thái và thong thả.
  • Tông giọng: Hãy trò chuyện cùng tông giọng mà ba mẹ sử dụng khi chơi hoặc thư giãn cùng trẻ.
  • Tư thế: Nếu có thể, hãy ngang tầm mắt của trẻ để dễ dàng lắng nghe
  • Cách đón nhận tranh: Hãy nhớ lại những lần ba mẹ nhận được quà từ người bạn thân yêu. Hãy đón nhận trẻ và tác phẩm cùng sự nhẹ nhàng và không vội vã. Nếu có thể, ba mẹ hãy đón nhận cùng cả hai tay, điều này thể hiện sự trân trọng đối với các bạn lắm!
  • Tâm thế: Hãy sẵn sàng để tò mò và cởi mở, vì thế giới của trẻ luôn nhiều bất ngờ và thú vị.

Bước 2: Xem và thưởng thức tranh

Một lời mời tới ba, mẹ rằng, hãy xem tranh cùng tâm thế để hiểu và kết nối, đừng đọc vị trẻ, đánh giá hay nhận xét. Ba mẹ hãy tạm cất đi những lời cổ vũ, câu hỏi hay góp ý mình có nhé! Khi đó, các bạn sẽ cảm thấy an tâm để mở lòng và chia sẻ thêm trong không gian này.

Sau đây là 3 góc nhìn ba, mẹ có thể quan sát và để tâm khi xem tranh của trẻ:
  • Nhìn bao quát tác phẩm: Bạn quan sát thấy những gì trong bức tranh: chủ đề, không khí, cảm nhận của bản thân khi xem tranh,...
  • Nhìn chi tiết: Một số chi tiết ba mẹ có thể quan sát trong tranh của trẻ:
    • Nhân vật trong tranh
    • Bối cảnh/ Không gian trong tranh
    • Màu sắc
    • Khoảng cách giữa các vật trên tranh
    • Đường nét và số lượng
    • Nguyên vật liệu sử dụng và số lượng, số lần sử dụng
    • Họa tiết
    • Cách trẻ sắp đặt các vật trên tranh (hay gọi là ‘bố cục tranh’): chồng lên nhau, tách rời,...
    • Cách sử dụng nét cọ và các nguyên vật liệu
  • Chú ý tới các điểm nổi bật trên tranh của trẻ.
    • Điều gì được vẽ to hơn/ sử dụng nhiều hơn/ lặp lại trong tác phẩm & thành phẩm của các bạn?
    • Có điều gi được tô màu sắc/ có kích cỡ khác các điều còn lại trên tranh?

Bước 3: Lắng nghe chia sẻ & đặt câu hỏi cho trẻ

Sau khi đã hiểu và kết nối hơn với tác phẩm, đây là khoảng thời gian cùng lắng nghe và đặt câu hỏi cho những “nghệ sĩ” nhí. Hẳn các bạn nhỏ đang rất hào hứng để chia sẻ tất cả những ý tưởng, câu chuyện và cảm xúc của các bạn, vì sự lắng nghe và tương tác cùng tác phẩm tới từ những người thương yêu và gần nhất là nguồn khen ngợi và cổ vũ cực lớn cho các bạn nhỏ!

Khi các bạn thể hiện sự chủ động muốn chia sẻ, ba, mẹ cần tập trung lắng nghe hoàn toàn. Trước khi đặt những câu hỏi tiếp, ba mẹ nên thuật lại câu chuyện của trẻ (hay còn gọi là ’paraphrase’). Điều này giúp một bạn nhỏ cảm thấy vững tâm hơn khi biết rằng, những điều bản thân chia sẻ được lắng nghe và ghi nhận. Quá trình trên nằm trong việc Lắng nghe chủ động.

Các bước để Lắng nghe Chủ động. Nguồn: Seekhle Learning.

Bên cạnh việc để trẻ tự chia sẻ, ba mẹ nên chủ động đặt câu hỏi để trẻ chia sẻ về tác phẩm và thành phẩm của mình cũng như gợi mở để trẻ có thêm ý tưởng để phát triển tác phẩm hiện tại hoặc áp dụng cho những tác phẩm sắp tới.
  • Đặt những câu hỏi về cách trẻ sử dụng những yếu tố trong bài, ví dụ như lựa chọn màu sắc, sắp đặt các yếu tố trong tranh. Ba mẹ có thể tham khảo lại 3 gợi ý xem tranh ở Bước 2 để trò chuyện cùng trẻ.
  • Trò chuyện về nội dung của bài. VD: Hôm nay con đã làm về điều gì/con gì/cá gì? / Hôm nay bức tranh của con đã kể câu chuyện gì?
  • Trò chuyện với trẻ về quá trình. VD: Con đã tạo nên bức tranh bằng những nguyên vật liệu gì? Con thích nhất lúc con làm phần nào trong bài của mình? Con nghĩ mình đã làm tốt ở điều gì?
  • Trò chuyện để gợi mở trí tưởng tượng, đặc biệt là khơi gợi đa giác quan. VD: Nếu nhân vật trong tranh của con biết nói, con nghĩ bạn ấy sẽ có giọng nói như thế nào?/ Nếu những đường nét của con biết hát, bạn ấy sẽ có giọng hát như thế nào?
  • Trò chuyện để gợi mở những cách thực hiện mới. VD: Nếu được chọn một sắc màu khác, con sẽ chọn màu gì?
  • Trò chuyện về cảm nhận. VD: Con cảm thấy như thế nào trong quá trình làm?
Những lưu ý quan trọng trong lúc đặt câu hỏi:
  • Tâm thế lớn nhất luôn là đặt câu hỏi để hiểu và kết nối với trẻ, cũng như để trẻ kết nối nhiều hơn cùng nghệ thuật.
  • Không có đúng và sai trong những câu hỏi và câu trả lời.
  • Đặt những câu hỏi gợi mở để trẻ suy nghĩ và chia sẻ nhiều hơn thay vì câu hỏi “có-không”. VD: “Con cảm thấy như thế nào sau khi vẽ xong” thay vì “Con có vui không?”
  • Tránh gắn nhãn mác cho tác phẩm của trẻ trước khi lắng nghe chia sẻ.
Đôi lúc, ba mẹ sẽ gặp tình huống để “bí” ý tưởng để hỏi. Lúc đó, ba mẹ hãy sử dụng câu “thần chú” tới từ nhóm Giáo viên VCVAA: “Hãy kể cho ba/mẹ nghe về tranh của con nhé!” và chân thành lắng nghe các bạn nhỏ chia sẻ. Sau đó, dựa vào những chia sẻ của các bạn, ba mẹ đặt thêm những câu hỏi để gợi mở thêm trí tưởng tượng hay phát triển thêm cho tác phẩm và thành phẩm của mình.

GÓC THỰC HÀNH

Dưới đây là một tác phẩm của học viên thuộc lớp Khai phá tại VCVAA. Mời ba, mẹ hãy cùng thực hành đặt câu hỏi theo hai bước trên cho nghệ sĩ nhí của chúng ta nhé!

Bình yên khi ở trên máy bay (2023). Tác phẩm bởi Học viên tại VCVAA.
Chất liệu: màu poster trên khung canvas.

Bước 4: Ghi nhận & cổ vũ

Dưới đây là Cấu trúc Thực hành Khen ngợi “DLP” đang được sử dụng để ghi nhận và khen ngợi trẻ tại VCVAA:

Sau đây là một số ví dụ về lời khen ngợi được theo cấu trúc DLP:
  • Ba/mẹ thấy con đã vẽ rất nhiều hình và chi tiết để chia sẻ khung cảnh ở quê, và điều này khiến cho bức tranh của con thật sống động. Con hãy vẽ thêm thật nhiều bức tranh nữa để kể về chuyến đi về quê cho ba mẹ nghe nhé!! (Cấu trúc DLP)
  • Ba/mẹ thấy hôm nay con đã dùng màu đỏ và cam là hai màu con ít khi dùng để vẽ tranh. Mình hãy cùng thử nghiệm thật nhiều điều mới hơn nhé! (Cấu trúc có D-P)
  • Ba/mẹ thấy con hôm nay đã chú tâm làm bài của mình từ đầu giờ tới cuối giờ. Mong rằng, hôm sau con sẽ tiếp tục phát huy nhé! (Cấu trúc có L-P).
Trong quá trình thực hành, chữ P cuối (hay Praise), ba mẹ có thể sử dụng những hành động mang tính chất cổ vũ như high-five, bên cạnh lời nói.

Một số gợi ý trong lúc thực hành dành cho ba mẹ:
  • Chân thành, chân thực. Không nói quá, tránh khen quá mức.
  • Rõ ràng, cụ thể, chủ ý vào những điều nhỏ. Đưa ra những lời khen cụ thể cho các bạn khi trò chuyện về tác phẩm.
  • Khen nỗ lực và quá trình. Không khen thành tựu và khả năng.
  • Khen “trẻ hôm nay” so với “trẻ hôm qua”. Tránh so sánh trẻ với một người khác hoặc bao hàm điều kiện.
  • Thay đổi từ “Ba mẹ thích” thành “Ba mẹ nhận thấy”. Đây là một bước chuyển dễ dàng một lời khen, lời cổ vũ sang góc nhìn khách quan. Bạn cũng có thể khuyến khích việc trẻ tự đánh giá bằng cách đặt câu hỏi rằng, "Ba mẹ muốn nghe suy nghĩ của bạn trước."

LỜI KẾT

Bài viết trên đây đã giới thiệu cho ba mẹ về khen ngợi tích cực, tâm thế của lời khen ngợi cũng như những bước để khen ngợi tích cực khi xem tác phẩm/thành phẩm nghệ thuật của trẻ. Khen ngợi tích cực trong quá trình phát triển là một hành trình lâu dài của sự quan sát và rút kinh nghiệm khi đồng hành, gắn bó và kết nối với các bạn. Bên cạnh các bạn, ba mẹ hãy cổ vũ và ghi nhận chính mình vì những nỗ lực của bản thân nhé!
NGUỒN THAM KHẢO VÀ BIÊN SOẠN:
  1. Harvard University Center for the Developing Child. How to motivate children: science-based approaches for parents, caregivers and teachers. Truy xuất từ https://developingchild.harvard.edu/resources/how-to-motivate-children-science-based-approaches-for-parents-caregivers-and-teachers/ 
  2. Parenting NI. Importance of Praise and Encouragement. Truy xuất từ http://www.parentingni.org/wp-content/uploads/2016/04/Importance-of-Praise-and-Encouragment-2.pdf 
  3.  Harvard University Center for the Developing Child. Understanding Motivation: Building the Brain Architecture That Supports Learning, Health, and Community Participation. Truy xuất từ https://harvardcenter.wpenginepowered.com/wp-content/uploads/2018/12/wp14_reward_motivation_121118_FINAL.pdf 
  4. Lowry, L, Hanen SLP & The Hanen Centre.“Good job!” Is Praising Young Children Good idea?. Truy xuất từ "Good job!" Is Praising Young Children a Good idea? (hanen.org) 
 
Bài viết khác

#1 CHIA SẺ TỪ PHỤ HUYNH: HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC ĐƯƠNG ĐẠI CỦA CON

Nghệ thuật không chỉ là một môn học, mà còn là một cánh cửa mở ra thế giới của sự sáng tạo và biểu đạt bản thân. Đối với nhiều...
Đọc tiếp
04.05.2024Sắp diễn ra

ART & WORK: QUY TRÌNH SÁNG TẠO THỰC TẾ CỦA MỘT NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG

THÔNG TIN SỰ KIỆN: Thời gian: 2:30 PM - 3:45 PM Thứ bảy, ngày 04/05/2024​ Địa điểm: Studio VCVAA (Số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1)​ Số lượng giới hạn:...
Đọc tiếp

ĐỐI TÁC ĐỘC QUYỀN CỦA ĐẠI HỌC NGHỆ THUẬT LONDON – CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGẮN HẠN MANG CHỨNG NHẬN UAL GRADED AWARDS VỀ VIỆT NAM

Với tầm nhìn trở thành đơn vị dẫn đầu mang đến cơ hội học tập và đào tạo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu du học tại các trường nghệ...
Đọc tiếp
Fill out my online form.

Sắp ra mắt