7 CÂU HỎI VỀ NGHỆ THUẬT CỦA TRẺ EM

Được dịch bởi CTV – Hoàng Anh

Bob Steele là một nghệ sĩ và cũng là một giáo sư (đã nghỉ hưu) trong lĩnh vực nghệ thuật của trường Đại học British Columbia tại Vancouver, Canada. Tại trường đại học, ông ấy có kiến thức chuyên sâu về giáo dục nghệ thuật. Ông cũng là người sáng lập Drawing Network và là tác giả của các cuốn sách như Draw Me a Story; The Drawing Path for Children; và sách A Picture Book of Children’s Drawings.

👉Tìm đọc tiểu sử đầy đủ của ông tại đây: https://abcbookworld.com/writer/steele-bob/

Trong bài báo này, 2 nhà giáo dục là Colleen Mieczaniec và Maggie Milne Martens sẽ hỏi giáo sư 07 (bảy) câu hỏi về nghệ thuật dành cho trẻ em.

Câu hỏi 1: Bob, dựa trên kinh nghiệm và nghiên cứu của ông, làm thế nào để nghệ thuật thị giác (vẽ, hội họa,…) có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy?

Trả lời: Một số nhà quản lý trường học thêm các lớp học nghệ thuật vào chương trình học chính quy chỉ vì mục đích giúp trường có “tính nhân văn” hơn hoặc tạo thêm các hoạt động vui vẻ, thư giãn vào lịch học kiến thức dày đặc của trẻ. Các bạn đã từng nghe câu “Chỉ tập trung học tập nghiêm túc và thiếu các hoạt động vui chơi đã khiến Jack trở thành một cậu bé buồn tẻ chưa?” Ở nhiều trường học, thực hành nghệ thuật được xem là “vui chơi”. Đọc, viết, học toán, các môn xã hội và khoa học lại được xem là việc học tập nghiêm túc. Bởi vì lối nghĩ các giờ thực hành nghệ thuật được xem là để trẻ vui chơi, nên một số nhà quản lý trường học và giáo viên không đầu tư nhiều về thời gian, công sức, tư duy (hoặc tiền bạc) vào việc thiết kế một kế hoạch nghiêm túc cho các dự án nghệ thuật. Thay vào đó, học sinh chỉ cần tuân theo các hướng dẫn và nguyên tắc cơ bản để hoàn thành dự án. Ví dụ như: cắt hình theo mẫu, sơn màu xanh lam, dán cái này vào đây,…).

Ngoài ra, rất nhiều dự án tổ chức để học sinh làm tác phẩm chỉ nhằm mục đích kỷ niệm các ngày lễ hoặc làm quà tặng trong những dịp đặc biệt. Những dự án như vậy có thể thu hút và khiến một số trẻ cảm thấy thích thú, nhưng chúng chẳng giúp ích gì cho sự phát triển tư duy và trí não ở trẻ. Điều đầu tiên tôi muốn nói là: Nghệ thuật thị giác là ngôn ngữ. Khi trẻ được sử dụng những ngôn ngữ này một cách tự do theo cách riêng của chúng thì việc thực hiện các tác phẩm nghệ thuật cũng trở nên thú vị như đọc những cuộc sách hay và như những cuộc thảo luận sôi nổi trong lớp, hoặc sử dụng những từ ngữ miêu tả sinh động để viết truyện và làm thơ. Trẻ em có thể sử dụng hình vẽ để thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ như sợ hãi, tức giận, yêu thương và ngạc nhiên. Khi được thể hiện những cảm xúc như vậy, chúng có trải nghiệm tương tự như được an ủi, vỗ về và vui vẻ. Đối với những trẻ gặp khó khăn trong việc mô tả cảm xúc của mình bằng lời nói hay chữ viết thì vẽ có thể là một giải pháp tốt. Trẻ em thích minh họa các câu chuyện, bài hát, bài thơ và thần thoại. Trẻ cũng có thể sử dụng hình vẽ để minh họa và giải quyết vấn đề, hoặc để hồi tưởng và kỷ niệm các hoạt động, sự kiện của gia đình và cộng đồng. Trẻ có thể minh họa các sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, chúng còn có thể cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên – hiểu hơn về thiên nhiên bằng cách vẽ các loài chim, động vật, cá và các loại bọ trong môi trường sống tự nhiên của chúng, các thực phẩm xung quanh mà chúng ăn hằng ngày, nơi chúng ở và thời tiết diễn biến hằng ngày.

Tóm lại, việc kết hợp nghệ thuật với các môn học khác ở trường – và đặt nghệ thuật trở thành ưu tiên hàng đầu thay vì là một sự lựa chọn đi kèm, có thể khiến cho các trường học trở thành nơi hạnh phúc hơn, phong phú hơn và hấp dẫn hơn trong mắt của trẻ.

 

Câu hỏi 2: Hầu hết trẻ em bắt đầu vẽ ở độ tuổi nào? Và bao nhiêu tuổi thì chúng mới bắt đầu nói, đọc và viết?

Trả lời: Đầu những năm 2 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu viết nguệch ngoạc. Vẽ là cách chúng có thể giao tiếp thông tin với thế giới bên ngoài. Với sự khuyến khích từ những người chăm sóc, mỗi đứa trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ vẽ của riêng mình. Ở cùng một độ tuổi, khả năng nói của trẻ sẽ dần hình thành từ những từ đơn, sau đó là cụm từ, rồi mới thành câu đầy đủ. Kỹ năng vẽ và kỹ năng nói của trẻ có thể phát triển cùng nhau. Giống như việc ngôn ngữ này có thể hỗ trợ ngôn ngữ khác để cùng phát triển. Mặc dù trẻ có thể học nói khá nhanh, nhưng kỹ năng đọc và viết cần nhiều thời gian hơn để phát triển. Để đọc và viết, một đứa trẻ cần phẩn học một “bộ mã” (các chữ cái trong bảng chữ cái) – và điều này làm mọi thứ chậm lại. Mặt khác, vẽ không có một bộ mã nhất định, vì vậy kỹ năng vẽ của trẻ có thể được phát triển nhanh hơn. Bởi vì vẽ không có bộ mã, vẽ là một ngôn ngữ mà trẻ có thể sử dụng để mô tả những suy nghĩ, cảm xúc, ký ức phức tạp và những câu chuyện. Việc này sẽ trở nên khó khăn hơn (hoặc không thể) khi trẻ sử dụng chữ viết. Tạo không gian và cơ hội để trẻ có thể tự do vẽ hàng ngày có thể giúp chúng phát triển các kỹ năng xã hội khác (nói, đọc và viết).

 

Câu hỏi 3: Việc cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc khác trò chuyện với trẻ về tác phẩm nghệ thuật mà trẻ làm ra có mang lại lợi ích gì không? Nếu có, tại sao việc này mang lại lợi ích cho trẻ và làm thế nào để thực hiện việc hỗ trợ này?

Trả lời: Những cuộc trò chuyện về các tác phẩm nghệ thuật của trẻ sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng nói, đọc và viết. Khi vẽ, trẻ em sẽ nghĩ về những bức tranh của chính chúng bằng những từ và cụm từ trong im lặng – chúng tự kể một câu chuyện về những gì chúng đang vẽ. Khi tác phẩm của chúng hoàn thành, trò chuyện về tác phẩm với một người lớn – người mà chúng biết, thích và tin tưởng sẽ cho trẻ cơ hội kể to bằng lời câu chuyện về tác phẩm của mình và trả lời những câu hỏi về tác phẩm. Một giáo viên dạy vẽ phải làm nhiều việc hơn là chỉ bày trí giấy, bút chì, bút màu, bút màu dạ và tạo không gian và thời gian để trẻ vẽ. Giáo viên dạy vẽ còn cần phải là những người chăm sóc có sự quan tâm trọn vẹn đến trẻ, giúp trẻ nghĩ ra ý tưởng cho bức vẽ của mình bằng cách đặt câu hỏi gợi mở, kể chuyện, khơi dậy những kỷ niệm đáng nhớ, đưa trẻ tham gia những chuyến đi thực tế thú vị,…

 

Câu hỏi 4: Giáo viên dạy vẽ có nên chỉ cho trẻ cách vẽ một số đồ vật nhất định không?

Trả lời: “Làm thế nào để em vẽ một con ngựa?” – Đây là dạng câu hỏi mà nhiều trẻ thắc mắc với thầy cô và các thành viên trong gia đình. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi tin rằng giáo viên KHÔNG nên trả lời những câu hỏi như vậy! Nó hoàn toàn không mang lại lợi ích gì khi người giáo viên chỉ cho trẻ “công thức” làm một điều gì đó. Bởi vì, việc không chỉ công thức cụ thể cho trẻ sẽ thúc đẩy quá trình sáng tạo của trẻ.

Giả sử rằng một người lớn chỉ cho trẻ cách vẽ một con ngựa (hoặc chỉ cho trẻ cách mà người lớn thường vẽ một con ngựa theo thói quen). Trước khi nhận được “sự giúp đỡ” này, trẻ đã có tiềm năng trở thành một người nghệ sĩ với sức sáng tạo vô hạn của mình. Nhưng bây giờ, trẻ chỉ là một người sao chép những công thức hoặc cách thức vẽ một con ngựa từ một người khác (bắt đầu từ đầu của con ngựa, hãy vẽ một đường thẳng cho đỉnh mũi của nó,…). KHÔNG!. Giáo viên KHÔNG nên chỉ cách thức! Có một cách tốt hơn để dạy cho trẻ. Nhắc trẻ rằng vẽ không giống với chụp ảnh. Hãy khuyến khích trẻ nhắm mắt và tưởng tượng một con ngựa.

  • Con ngựa lớn bao nhiêu so với mình?
  • Các bộ phận cơ thể khác nhau của nó có những màu sắc gì?
  • Nó có mùi như thế nào?
  • Nếu chạm vào chiếc mũi mềm mại của nó, trẻ sẽ cảm thấy thế nào?
  • Cái bờm dài của nó khác với những chiếc lông ngắn trên cổ của nó khác nhau như thế nào?
  • Trong trí tưởng tượng của trẻ, có phải con ngựa con nhìn trẻ không?
  • Trẻ cảm thấy thế nào khi đứng cạnh chú ngựa này?
  • Con ngựa sẽ cảm thấy thế nào khi được ở gần trẻ?
  • Con ngựa có đói, mệt, tràn đầy năng lượng hay phấn khích không?

Sử dụng trí tưởng tượng sẽ không phải là vấn đề đối với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, nhưng đối với một số trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên không tin tưởng vào bản thân – và một số trẻ thực sự muốn các bức vẽ của mình “trông như thật” sẽ cảm thấy khó khăn.

Trang web Drawing Network (http://drawnet.duetsoftware.ca) sẽ cung cấp một số chiến lược giúp khắc phục hội chứng “Tôi không thể vẽ”. Đây là một trong những chiến lược hiệu quả mà bạn có thể cân nhắc: Nếu trẻ cảm thấy thất vọng vì nhầm tưởng rằng “Mình không thể vẽ”, hãy giúp trẻ kiên nhẫn với chính mình. Tiếp tục vẽ trong khả năng của mình, và kiên nhẫn thực hành hằng ngày.

 

Câu hỏi 5: Bob, giáo sư nghĩ giáo viên tiểu học nên dạy nghệ thuật như thế nào?

Trả lời: Như tôi đã chia sẻ, mọi đứa trẻ đều có ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Nhưng tại sao gần như tất cả các bức vẽ của trẻ về người đều có “khuôn mặt vui vẻ”?

Câu trả lời chính là: Khi mới bắt đầu vẽ, trẻ cũng có những kinh nghiệm sống tương tự nhau.

Hầu hết chúng đều có cùng mức độ kiểm soát các ngón tay, bàn tay và cánh tay (kỹ năng vận động tinh) và mức độ phối hợp tay mắt như nhau. Trẻ trong độ tuổi từ hai đến ba tuổi chưa phát triển ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình vì đơn giản là chúng chưa được thực hành đủ. Tuy nhiên, bên trong mỗi đứa trẻ luôn có tiềm năng và chúng vẫn đang chờ đợi để được phát triển và biểu lộ ra ngoài. Với sự nuôi dưỡng từ những người lớn, đứa trẻ sẽ bắt đầu phát triển ngôn ngữ vẽ riêng của mình vào khoảng bốn tuổi. Các giáo viên mỹ thuật ở trường tiểu học nên nhận ra rằng học vẽ và vẽ là một quá trình sáng tạo “thử và sai”. Giáo viên đừng vội ngạc nhiên nếu các tác phẩm của trẻ trông có vẻ trẻ con, ngờ nghệch đơn giản, tự nhiên, chân thật và đầy cảm xúc. Giữ một tâm thế quan sát quá trình trẻ thực hành và đón nhận rằng những điều chúng vẽ là những điều chân thật nhất đối với chúng. Hãy tự hào vì bạn được xem tác phẩm sáng tạo của trẻ. Ngay cả khi bạn thích bức vẽ con ngựa kiểu tả thực, thì cũng có lúc bạn cũng sẽ cảm thấy thích thú với cách vẽ sáng tạo của trẻ.

Theo tôi, những bức vẽ nổi bật và trông khác thường nhất, những bức vẽ thể hiện được năng lực sáng tạo vô hạn của trẻ mới là những bức vẽ xứng đáng được gọi là một “tác phẩm nghệ thuật thực thụ”, tác phẩm được thực hiện bởi một người nghệ sĩ mới từ bốn đến sáu tuổi. Những người giáo viên: Hãy dành một chút thời gian tự hỏi bản thân bạn rằng bạn sẽ muốn bước vào lớp học nào trong 2 lớp học sau đây:

Đầu tiên là lớp học chứa đầy các bức tranh, bản vẽ và tác phẩm điêu khắc của trẻ trông rất trẻ con, ngờ nghệch, tự nhiên, đơn giản, chân thực và tràn đầy cảm xúc (Đây cũng là những tính từ mà tôi đã sử dụng trong một vài đoạn văn ở trên và tôi muốn nói đến chúng với cảm xúc khen ngợi chứ không phải chỉ trích).

Lớp học thứ hai thì có các bảng thông báo với những con gà tây được làm từ hình vẽ của các ngón tay và các tờ rơi do giáo viên làm (hoặc do công ty sản xuất sách giáo khoa) với các đường viền được tô màu rất đẹp bởi các em học sinh. Tôi đã xem qua hàng trăm bức vẽ của trẻ em mà tôi gọi là “chân thực” (tôi dùng từ này có nghĩa là “thật, chân thành, và nguyên bản”). Tôi gọi những bức vẽ này là chân thực bởi vì để tạo ra chúng, trẻ đã sử dụng khả năng tư duy của chúng kết hợp cùng với những điều mà đôi mắt trẻ nhìn thấy và cách trẻ cảm nhận về đối tượng mà trẻ vẽ. Trẻ sử dụng chính những suy nghĩ, cảm xúc, ký ức và sự tưởng tượng sâu sắc của mình để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của chúng. Mỗi bức vẽ này đều chứa đựng năng lượng nghệ thuật mà tôi – người xem, đón nhận bằng niềm vui, nỗi buồn, sự tò mò, phấn khích – với những mảng cảm xúc có những cường độ khác nhau. Tôi tin rằng, năng lượng nghệ thuật của một bức vẽ đến từ:
1) Cảm xúc sâu sắc của người vẽ về chủ đề (bất cứ chủ đề gì mà họ đang vẽ)
2) Niềm hạnh phúc của người vẽ khi có thể thể hiện những cung bậc cảm xúc và sự tưởng tượng của mình trên những trang giấy thông qua hình ảnh
3) Cảm giác tràn đầy năng lượng, thú vị nhưng vẫn bình tĩnh mà quá trình vẽ mang lại cho họ khi họ chú tâm hoàn toàn vào trang giấy của mình.

 

Câu hỏi 6: Trẻ nên được có cơ hội để thực hành “nghệ thuật chân thực” như ông đã đề cập vậy Bob?

Trả lời: Câu trả lời của tôi bắt nguồn từ câu trả lời cho 3 câu hỏi khác:
1) Trẻ em cần ngôn ngữ để miêu tả trải nghiệm của mình thường xuyên như thế nào?
2) Việc vẽ thường đem lại những thông tin quan trọng cho việc nói và viết của trẻ như thế nào?
3) Vẽ trở thành ngôn ngữ tốt nhất để trẻ có thể biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tượng của mình thường xuyên như thế nào?

Nói cách khác: Đó chính là MỖI NGÀY! Như tôi đã đề cập trước đó, vẽ và các hoạt động sáng tạo nghệ thuật khác không nên chỉ là một hoạt động mang lại sự “vui vẻ, thư giãn” nhất thời cho học sinh. Nó nên được gắn liền với các môn học khác ở trường – được giáo viên dạy hằng ngày (đọc, viết, toán, khoa học và xã hội). Nếu trẻ vẽ như một phần nhiệm vụ của việc nghiên cứu về sinh học, trẻ sẽ có thể rèn luyện kỹ năng quan sát của mình tốt hơn và chúng có thể hiểu rằng con người cũng là một phần của sinh học như những sinh vật sống khác. (Và với tư cách là một nhóm, chúng ta có thể trở thành có hại – hoặc có hại hơn cho đồng loại của chúng ta chứ không chỉ có thảm họa thiên nhiên như hỏa hoạn, động đất và bão). Việc minh họa những câu chuyện lịch sử có thể đưa chúng đến gần hơn với thế hệ của trẻ. Tranh minh họa văn học cũng có thể giúp trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về những điều được diễn tả bằng ngôn ngữ đơn thuần.

 

Câu hỏi 7: Ai là người có đủ khả năng để dạy mỹ thuật cho trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học?

Trả lời: Bất kỳ người giáo viên, người chăm sóc hoặc thành viên nào trong gia đình nếu có sự quan tâm, trách nhiệm, và hiểu biết đều có thể dạy mỹ thuật cho trẻ. Đó có thể là cha mẹ, ông bà, cô, chú, anh chị em, giáo viên hoặc người giữ trẻ. Họ không cần là một nghệ sĩ tài năng hoặc có chứng chỉ giảng dạy mỹ thuật để giúp trẻ “vẽ hằng ngày”. Bất kỳ ai cũng có thể truyền động lực để trẻ thực hành vẽ bằng cách:
1) Giúp trẻ nghĩ ra những chủ đề thú vị
2) Đặt những câu hỏi hay để khơi gợi những trải nghiệm của trẻ
3) Kiên quyết không chỉ trẻ “công thức” vẽ một đối tượng cụ thể nào
4) Lắng nghe trọn vẹn khi trẻ kể về những câu chuyện bằng hình ảnh của chúng
5) Phản hồi lại câu chuyện của trẻ bằng cách đặt thêm nhiều câu hỏi hay và lắng nghe câu trả lời của trẻ một cách trọn vẹn.

 

Bob Steele, Phó Giáo sư Nghệ Thuật (Danh dự) Đại học British Columbia tại Vancouver drawnet@shaw.ca.

Website: http://drawnet.duetsoftware.ca

Bài báo nguyên bản được viết dành cho người trưởng thành bài báo này đã được Robyn Raymer, Thạc sĩ chuyên ngành Tiếng Anh, Đại học California tại Berkeley, viết lại ở cấp độ đọc phổ thông hơn. Robyn là một nhà văn giáo dục tự do – robynraymr@aol.com

Fill out my online form.

Sắp ra mắt