“Ngân Nga” là Triển lãm Mỹ thuật của nhóm học viên thuộc chương trình Nền tảng (8-11 tuổi) và Nâng cao (12+ tuổi) tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Đương đại Việt Nam (VCVAA). Triển lãm là một món quà cảm ơn mỗi học viên, phụ huynh và giáo viên trên chặng đường cùng nhau hướng tới tinh thần tự do và cởi mở trong nghệ thuật. Đồng thời, triển lãm mong muốn ghi nhận và trân trọng quá trình phát triển năng lực Nghệ thuật của học viên, từ đó tạo thêm sự tự tin và động lực để tiếp tục học tập và thực hành. Và đối với những vị khách tới thăm quan, VCVAA hy vọng triển lãm sẽ là cầu nối để nghệ thuật, câu chuyện, cảm xúc,… của học viên được giới thiệu và đón nhận bởi đông đảo người trong cộng đồng.
Triển lãm bao gồm 5 không gian trưng bày:
1. “Khúc Khích” – Dự án Logo đại diện cho bản thân của học viên chương trình Nền tảng và dự án Chân dung của học viên chương trình Nâng cao.
Nhìn vào trong gương, bạn nhìn thấy “chính mình”.
“Chính mình” nhìn lại bạn, và hỏi rằng: bạn thấy chính mình như thế nào?
Chính mình được tạo nên từ nhiều điều.
Từ những niềm vui nho nhỏ của chúng mình trong cuộc sống.
Từ những người và kỷ niệm chúng mình yêu thương.
Từ những trải nghiệm và khám phá và vọc vạch mọi thứ xung quanh.
Và từ cảm xúc, suy nghĩ, cảm nhận trước tất cả những điều trên.
Và chúng mình để chính mình xuống tờ giấy, xuống trang giấy trắng, và vẽ nên những điều để kể về chính mình cho mọi người.
Khu vực “Khúc Khích” bao gồm những tác phẩm hướng tới sự thể hiện bản sắc cá nhân của học viên. Khu vực bao gồm 02 nhóm bài:
– Logo đại diện cho bản thân của nhóm học viên chương trình Nền tảng
– Chân dung tự họa của nhóm học viên chương trình Nâng cao.
2. “Thình Thịch”- Nhóm bài phát triển tư duy trừu tượng và trí tưởng tượng của học viên chương trình Nền tảng và Nâng cao.
Đứng trước những điều mới, bạn cảm thấy thế nào?
Lắng nghe chúng mình này,
Tim đập
Thình thịch thình thịch
Không biết điều gì đang chờ đợi chúng mình tới tìm kiếm nhỉ?
Tạm rời xa cây bút và tờ giấy quen thuộc, chúng mình bơi tới những vùng đất mới.
Khu vực “Thình Thịch” mang tính chất khơi gợi trí tưởng tượng, tư duy trừu tượng bên trong học viên cũng như tạo cơ hội để học viên được trải nghiệm đa hình thức, chất liệu và nguồn cảm hứng trong nghệ thuật. Khu vực bao gồm 8 nhóm bài:
– Vẽ đường nét mà không nhìn giấy (Blind Contour)
– Thử nghiệm với nét và màu
– Điêu khắc Trừu tượng (Abstract Sculpture)
– Nghệ thuật ảo giác (Optical Art)
– Thử nghiệm vẽ ngẫu hứng với nét và dấu (mark)
– Tạo dấu (Markmaking)
– Cắt dán (Cutout) và Xé dán (Collage)
– Vẽ trừu tượng với âm nhạc
3. “Líu Lo” – Nhóm bài thực hành mang tính chất xây dựng kết nối của học viên với bản thân và với bạn học
Hít vào và cùng thở ra
Vẽ, và cùng thật vui trong quá trình đó!
Trong quá trình lớn lên, đứng trước những khuôn mẫu tìm thấy, có bao giờ bạn vô tình quên mất niềm vui đơn thuần của việc vẽ? Thay vì lắng nghe từ trái tim mình và để bản thân chỉ đường, từ bao giờ bạn đi lạc trong sự “đúng” và “đẹp”?
“Líu Lo” bao gồm những bài thực hành vẽ nhằm mục đích tạo niềm vui và hứng khởi đầu giờ, xây dựng sự thoải mái trong thực hành nghệ thuật của bản thân cũng như kết nối các bạn học viên trong lớp. Hoạt động thường được giáo viên tổ chức trước khi bước vào hoạt động chủ đề của buổi học.
4. “Lắng Lặng” – Nhóm bài thuộc chủ đề phong cảnh
Chúng mình nhớ về một hoàng hôn, về một cánh rừng, về một cánh đồng từng nhìn thấy trong những chuyến đi. Hoàng hôn, cánh rừng hay cánh đồng là những điều luôn tồn tại, vậy điều gì khiến chúng ta thực sự ấn tượng về hoàng hôn đó?
Đó là một điều thú vị của vẽ. Khác với ảnh chụp, khi chúng mình vẽ, chúng mình đưa vào bức tranh những cảm xúc, cảm nhận và suy nghĩ của bản thân trước một điều khiến trái tim, trí óc và tâm hồn cùng yêu thích.
Ở đây, lúc này, chúng mình mời bạn cùng “Lắng Lặng”.
Lắng để ngắm nhìn và tận hưởng vẻ đẹp của thế giới xung quanh ta.
Lặng để “nghe” tâm tư trong từng nét vẽ.
Khu vực bao gồm những nhóm bài:
– Phong cảnh cùng markmaking (tạo dấu) của học viên chương trình Vẽ nâng cao.
– Phong cảnh từ đường nét và cảm xúc của học viên chương trình Nền tảng.
5. “Róc Rách” – Dự án “Cá qua đa góc nhìn” của học viên chương trình Nâng cao
Không chỉ nhìn, chúng mình thực chạm một chú cá bằng mọi giác quan, thấy sự lành lạnh của làn da trơn, mùi tanh của loài cá, thấy những sọc xám ẩn trên da… Thật lạ khi được quan sát cá từ nhiều góc độ, cũng thú vị đó chứ, một khoảng không gian-thời gian cho chúng mình cơ hội “nhìn, thấy và cảm”. Chúng mình đã ngẫm và vẽ, để hiểu hơn, để trân trọng những điều bình thường có sẵn trong cuộc sống.
Và, câu hỏi tiếp sau đây sẽ cần tưởng tượng, “Bạn sẽ muốn chú cá này kể câu chuyện như thế nào?” Chú cá này và chúng mình, cùng nhau, chúng ta sẽ muốn nói lên tâm tư gì?
À, nghĩ ra rồi.
“Mình muốn thể hiện sự vi diệu, dễ thương của loài cá, cũng thể hiện rằng cá là một món quà đáng quý mà ông trời đã ban tặng cho chúng ta.”
Chúng mình mừng đón bạn tới bên “Róc rách” – ngôi nhà của những người bạn cá được sinh ra từ dòng suối của cảm nhận, quan sát và tưởng tượng.
Khu vực “Róc Rách” trưng bày tác phẩm và quá trình thực hiện dự án “Cá qua đa góc nhìn” của nhóm học viên lớp Vẽ Nâng cao tại VCVAA, bao gồm:
– Bài thực hành vẽ cá từ quan sát
– Bài thực hành vẽ cá kết hợp tưởng tượng
– Mô hình 3D về cá tưởng tượng