Nội dung chính:
- Ý nghĩa của hoạt động tham quan không gian trưng bày nghệ thuật đối với sự phát triển của con
- Những hướng dẫn và lưu ý cho một chuyến tham quan trọn vẹn
- Cách để ngắm nhìn và trò chuyện về tác phẩm cùng con
- Gợi ý những hoạt động sáng tạo để gắn kết với không gian trưng bày nghệ thuật
- Giới thiệu những không gian trưng bày nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ý NGHĨA CỦA HOẠT ĐỘNG THAM QUAN KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY NGHỆ THUẬT TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CON
- Nuôi dưỡng khả năng tự học. Các bạn nhỏ luôn chứa trong mình hàng vạn những câu hỏi về thế giới xung quanh.Việc đặt thật nhiều câu hỏi giúp kích thích trí tò mò và sức khám phá bên trong các bạn. Những không gian mang tính chất mở, bao gồm bảo tàng, triển lãm hoặc các không gian trưng bày nghệ thuật, sẽ đóng vai trò là nguồn khơi gợi câu hỏi bên trong các bạn.
- Phát triển tư duy thực hành nghệ thuật. Dự án nghiên cứu về giáo dục nghệ thuật của ĐH Harvard đã chỉ ra 8 thói quen tư duy thực hành trong nuôi dưỡng và phát triển sức sáng tạo, trong đó bao gồm việc Hiểu về thế giới nghệ thuật. Thực hành trên khuyến khích các bạn mở rộng hiểu biết về nghệ thuật bên ngoài lớp học. Hãy cùng quay ngược dòng lịch sử qua những chuyến thăm bảo tàng, hay tận hưởng sự thay đổi từng ngày của nghệ thuật trong chính cộng đồng mình đang sinh sống.
- Tạo không gian để gắn kết gia đình thông qua những cuộc trò chuyện về tác phẩm. Dù nhiều hay ít, các tác phẩm trong không gian trưng bày nghệ thuật luôn khơi gợi bên trong mỗi người những suy nghĩ, cảm nhận và cảm xúc của riêng mình. Khi những chia sẻ này được đón nhận chân thành để tạo nên một cuộc trò chuyện có ý nghĩa, những khoảnh khắc khám phá lý thú và không ngờ tới sẽ tạo niềm vui để thêm hiểu thêm yêu những người thương ở cạnh bên mỗi ngày.
- Tạo cơ hội để chia sẻ kiến thức đa thế hệ. Đã bao giờ ba mẹ cảm thấy cách câu chuyện từ xưa thật xưa mà ông bà kể khiến chúng ta như được sống ở đó dù chưa từng sống ở thời gian đó? Khi các thành viên trong gia đình kiến thức hoặc ý kiến được tích luỹ và hình thành trong quá trình sống, các bạn sẽ được nhìn cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó làm giàu ngân hàng trải nghiệm của các bạn. Lưu ý rằng, những chia sẻ từ ba mẹ nên mang tính chất kể chuyện và gợi trao đổi với các bạn.
LƯU Ý NHO NHỎ CHO CHUYẾN THAM QUAN TRỌN VẸN
Tác phẩm trưng bày tại lớp học flagship của Học viên Nghệ thuật Thị giác Đương đại Việt Nam (VCVAA)
- Hiện diện cùng nhau và trọn vẹn. Khi tới với một không gian trưng bày nghệ thuật, vẻ đẹp không chỉ ở những tác phẩm, mà còn nằm ở quá trình ba mẹ và các bạn cùng nhau ngắm nhìn và trò chuyện về những tác phẩm và quá trình sáng tạo của nghệ sĩ.
- Bước đi chậm rãi để không bỏ lỡ những điều tuyệt diệu. Gia đình không cần phải xem hết mọi bức tranh có mặt. Hãy chọn một đến hai khu vực và dành một khoảng thời gian chất lượng tại đó – cùng nhau ngắm nhìn và trò chuyện về những điều tuyệt vời đang xảy ra.
- Bảo vệ tác phẩm. Các bạn và ba mẹ có thể đứng gần để nhìn, nhưng lưu ý không chạm vào để giữ gìn sự nguyên vẹn của tác phẩm.
- Giữ trật tự. Chúng ta có thể đặt câu hỏi, trò chuyện và trao đổi với nhau để tạo kết nối của chính mình với tác phẩm, nhưng hãy thật nhẹ nhàng để tôn trọng không gian chung với người khác.
- Hãy lắng nghe người hướng dẫn, nếu có. Ở bảo tàng hoặc các không gian trưng bày nghệ thuật thường sẽ có những người hướng dẫn túc trực để giới thiệu về câu chuyện của tác giả và của những tác phẩm có mặt ở đó. Hãy cùng dành sự tập trung cho cô chú để hiểu hơn về câu chuyện đằng sau buổi triển lãm nhé.
Trước khi tới thăm quan một không gian trưng bày nghệ thuật, ba mẹ hãy chia sẻ để các bạn hiểu và nắm rõ những lưu ý trên nhé! Điều này giúp chuẩn bị cho gia đình một tâm thế sẵn sàng và đảm bảo sự hiện diện trọn vẹn của mỗi người để tận hưởng trong không gian trưng bày nghệ thuật.
CÁCH ĐỂ NGẮM NHÌN VÀ TRÒ CHUYỆN VỀ TÁC PHẨM CÙNG CON
Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh việc ngắm nhìn và thưởng thức, VCVAA khuyến khích cha mẹ chủ động đặt câu hỏi gợi mở dành cho các bạn để trò chuyện về tác phẩm. Một điều cần lưu ý rằng, một cuộc trò chuyện về nghệ thuật sẽ không tồn tại đúng và sai cho những câu hỏi và câu trả lời được đặt ra. Sự gợi mở và sự chân thành là chìa khoá để giúp cuộc trò chuyện về nghệ thuật trở nên có ý nghĩa.
Giáo viên và các bạn nhỏ tại lớp học làm Gốm
Những cuộc trò chuyện về nghệ thuật ý nghĩa sẽ giúp:
- Tạo điều kiện để các bạn được thực hành phản tư (reflect). Ví dụ: Khi bạn nhìn thấy bức tranh về chủ đề cây, bạn có thể nhớ lại về những cái cây hoặc khung cảnh bạn đã từng ghé thăm mà chứa nhiều cây trong đó.
- Củng cố sự tự tin và sự thoải mái trong thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và cảm nhận cá nhân trước nghệ thuật bản thân.
- Rèn luyện và tăng cường khả năng ngôn ngữ, đặc biệt là việc ứng dụng từ vựng trong nghệ thuật.
Sau đây là bốn bước để ba mẹ và các bạn cùng tận hưởng quá trình ngắm nhìn và trò chuyện tác phẩm:
1. Mô tả (Describe): Quan sát và khám phá về những điều xuất hiện trên tác phẩm, bao gồm chủ thể, yếu tố nghệ thuật.
Một số câu hỏi gợi mở:
- Con nhìn thấy gì trong tác phẩm: màu sắc, đường nét, hình dạng, con người, đồ vật?
- Con sẽ mô tả tác phẩm này như thế nào với một người chưa thấy nó?
Nếu được xuất hiện trong tranh, con muốn mình ở vị trí nào?
2. Phân tích (Analyze). Hãy cùng nhau nghĩ về cách nghệ sĩ sắp xếp các yếu tố (VD: đường nét, màu sắc, hình, khối, khoảng trống, cảm giác bề mặt) trong bức tranh của mình hoặc kỹ thuật mà tác giả đã sử dụng trong bức tranh (VD: công cụ, chất liệu,…)
Một số câu hỏi gơi mở:
- Khi nhìn lướt qua, điều đầu tiên thu hút ánh mắt của con là gì?
- Tai sao hoạ sĩ lại chọn vẽ vật thể đó ở giữa?
- Tại sao tác giả lại kết hợp những màu này với nhau?
- Con nghĩ tác giả đã vẽ bằng công cụ gì / sử dụng chất liệu gì?
3. Giải nghĩa (Interpret). Tên hoặc lời giới thiệu về tác phẩm sẽ cho chúng ta gợi ý để hiểu hơn về tác phẩm trước mắt, có thể là lịch sử ra đời hoặc nguồn cảm hứng của tác giả.
Một số câu hỏi gợi mở:
- Con nghĩ tác phẩm muốn nói hay kể câu chuyện gì?
- Con đoán bức tranh được vẽ ở đâu? Khi nào?
- Con nghĩ tác giả tìm ra được ý tưởng này từ đâu?
4. Bình phẩm (Evaluate): Suy nghĩ về thông điệp mà nghệ sĩ muốn truyền tải thông qua tác phẩm.
Một số câu hỏi gợi mở:
- Con có những suy nghĩ hay cảm nhận gì về tác phẩm?
- Tại vì sao con thích hay không thích tác phẩm này?
- Con thích/không thích gì về phong cách của nghệ sĩ?
- Nếu con có thể thay đổi một điều về tác phẩm này, con sẽ thay đổi điều gì?
Ngoài ra, ba mẹ có thể trò chuyện cùng các bạn bằng những câu hỏi sau:
- Nếu được phỏng vấn nghệ sĩ, bạn sẽ đặt những câu hỏi nào?
- (Dành cho bảo tàng hoặc triển lãm có hình thức nghệ thuật ngoài vẽ & hội hoạ) Có cần phải có khả năng vẽ tốt để trở thành một họa sĩ giỏi không?
- Những tác phẩm nghệ thuật từ thời xưa còn đáng xem ở thời nay?
- Bạn sẽ làm gì với tác phẩm này nếu bạn sở hữu nó?
Giáo viên ân cần hỗ trợ cho các bạn nhỏ trong tiết học Gốm
GỢI Ý NHỮNG HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO KHÁC ĐỂ GẮN KẾT VỚI KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY NGHỆ THUẬT
Tới bảo tàng, ngoài việc ngắm nhìn và trò chuyện về tác phẩm, phụ huynh có thể cùng con tổ chức những hoạt động tương tác để kích thích trí tưởng tượng và kết nối trải nghiệm từ cuộc sống riêng với trải nghiệm tham quan. Sau đây là một số gợi ý từ VCVAA để đem hứng khởi tới hành trình cùng con khám phá thế giới nghệ thuật:
- Truy tìm kho báu. Đi tìm kiếm các bức tranh có nội dung giống nhau: về con người, về động vật.
- Vẽ sáng tạo. Tạo nên một tác phẩm nghệ thuật được truyền cảm hứng bởi các tác phẩm hoặc tác giả mà con ấn tượng nhất.
- Trải nghiệm nghệ thuật bằng cơ thể. Ghi nhớ và diễn lại một bức tranh con đã nhìn thấy: dáng người, vẻ mặt, đường nét, hoặc hình dạng.
- Kể chuyện tưởng tượng. Nếu như bức tranh này là một khung cảnh, câu chuyện trước đó/ sau đó sẽ diễn ra như thế nào?
- Kết nối đa giác quan. Ba mẹ có thể đặt câu hỏi gợi mở như sau:
- Nếu được ở bên trong tác phẩm, con sẽ nhìn thấy những gì/ nghe thấy âm thanh gì/ nếm thấy vị gì/ ngửi thấy mùi gì/ cảm thấy thế nào?
- Nếu tác phẩm tạo ra âm thanh, con nghĩ tác phẩm sẽ có âm thanh như thế nào?
Đây là những gợi ý khởi đầu để ba mẹ có thể đem thật nhiều niềm vui tới với những chuyến thăm quan không gian trưng bày nghệ thuật của các bạn. Ba mẹ và các bạn nhỏ hãy cùng nhau nghĩ ra thật nhiều ý tưởng sáng tạo hơn cho hành trình của mình nhé!
GIỚI THIỆU NHỮNG KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY NGHỆ THUẬT Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ở trong thành phố, gia đình có thể tìm thấy rất nhiều các không gian trưng bày nghệ thuật khác nhau để ghé thăm, ví dụ như bảo tàng, triển lãm hay các phòng tranh với các tác phẩm được trưng bày cố định hoặc các triển lãm nghệ thuật được tổ chức thường xuyên. Sau đây là một số địa điểm ba mẹ và con có thể tham quan để khám phá về cộng đồng nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh !
Lưu ý:
- Những địa điểm thuộc danh sách chỉ là những gợi ý khởi đầu dành cho ba mẹ và các bạn. VCVAA khuyến khích cha mẹ và con chủ động tìm kiếm và khám phá các không gian trưng bày nghệ thuật khác để mở rộng hiểu biết về cộng đồng nghệ thuật.
- Các buổi triển lãm tại không gian trưng bày nghệ thuật sẽ được tổ chức theo chủ đề. Do đó, trước chuyến tham quan, cha mẹ có thể lựa chọn cân nhắc sự phù hợp với độ tuổi của chủ đề qua thông tin giới thiệu các kênh truyền thông của địa điểm.
1. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
- Địa chỉ:, 97A P. Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1,Thành phố Hồ Chí Minh
- Thời gian mở cửa: 9.00 – 20.00, từ T2 – Chủ nhật
- Fanpage: https://www.facebook.com/mfahcmc
Ngoài ra, để khuyến khích và nuôi dưỡng khả năng tư duy liên ngành, cha mẹ nên tạo cơ hội cho các bạn tới tham quan bảo tàng với đa dạng chủ đề như lịch sử, tự nhiên,…
2. REI Artspace
- Địa chỉ: 371/4 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
- Thời gian mở cửa: 9.00 – 20.00, từ Thứ 2 đến Chủ nhật.
- Fanpage: https://www.facebook.com/REI.Artspace/
- Đang diễn ra: 08/04 – 07/05 | Triển lãm cá nhân Lại đây ngồi xuống của nghệ sĩ Triệu Phương
3. Galerie Quynh
- Địa chỉ: 118 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Thời gian mở cửa: 10.00 – 19.00, từ Thứ 3 đến Thứ 7.
- Fanpage: https://www.facebook.com/galeriequynh
- Đang diễn ra: 15/04 – 03/06 | Triển lãm Songs of Singularity bởi nghệ sĩ Trọng Gia Nguyễn
4. Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
- Địa chỉ: 218A Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
- Thời gian mở cửa: 8.00 – 21.00, từ Thứ 2 đến Chủ nhật.
- Fanpage: https://www.facebook.com/hoimythuattphcm.vn
5. The Factory Contemporary Arts Centre
- Địa chỉ: 15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức
- Thời gian mở cửa: 10.00 – 19.00, từ Thứ 4 đến Thứ 7.
- Fanpage: https://www.facebook.com/thefactorycontemporaryartscentre
6. Lotus Gallery:
- Địa chỉ: Số 12-13 Đường N1, Phường Tân Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh
- Thời gian mở cửa: 9.00 – 18.00, từ Thứ 2 đến Chủ nhật.
- Fanpage: www.facebook.com/lotusgalleryhcm
NGUỒN THAM KHẢO CHO BÀI VIẾT:
- Andre, L., Durksen, T. & Volman M. L. (2017). Museums as avenues of learning for children: a decade of research. Learning Environments Research, 20, 47-76. Link: https://link.springer.com/article/10.1007/s10984-016-9222-9
- National Endowment for the Arts (2014). The importance of taking children to museums. Link: https://www.arts.gov/stories/blog/2014/importance-taking-children-museums
- Artsy (2018). How to Talk to Kids about Arts. Link: https://www.artsy.net/article/artsy-editorial-talk-kids-art
- Harcourt School Publishers. Visiting a museum trong Arts Everywhere.
- The Metropolitan Museum of Art (2021). Family Guide Family fun at the MET. Link: https://www.metmuseum.org/-/media/files/learn/family-map-and-guides
- Kids in Museums (2020). 10 museum activities to keep children entertained. Link: 10 museum activities to keep children entertained – Kids in Museums