NGHỆ THUẬT CÓ CHỨC NĂNG NHƯ THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG MỖI CHÚNG TA?

 

Tôi tin rằng, nghệ thuật có ba mục đích chính trong cuộc sống, đầu tiên là hỗ trợ quá trình học hỏi về thế giới xung quanh, thứ hai là khám phá thế giới nội tâm, và cuối cùng là làm giàu chất lượng cho đời sống.

Trong cuốn The Arts and the Creation of Mind, Eisner (2002) bàn luận rằng, một chức năng của nghệ thuật đối với nhận thức là “giúp chúng ta học cách chú tâm tới thế giới” (p.10). Các bạn nhỏ đến với thế giới này cùng một tâm trí cởi mở và bản năng để khám phá thế giới xung quanh. Nghệ thuật, ví dụ như vẽ hoặc hội họa, cung cấp cho trẻ chất liệu và cơ hội trải nghiệm để nâng cao khả năng sáng tạo có ý nghĩa và tìm hiểu về những điều các bạn nhìn thấy, chạm, nghe, ngửi và nếm. Nói cách khác, nghệ thuật phản ánh nhận thức của trẻ về con người, sự vật và hỗ trợ phát triển trí tuệ. Dựa vào luận điểm trên, Eisner (2002) bổ sung:

Quá trình sáng tạo nghệ thuật không chỉ là một con đường để sáng tạo nên những màn trình diễn hay sản phẩm; nó là một cách thức để kiến tạo cuộc sống của chúng ta, bằng cách mở rộng ý thức, xây dựng khuynh hướng nhân cách, làm trọn vẹn quá trình đi tìm kiếm ý nghĩa, thiết lập mối liên kết với mọi người và chia sẻ văn hóa chung.

Tôi cùng chia sẻ quan điểm của Eisner rằng, “Nghệ thuật cung cấp điều kiện để chúng ta trở nên tỉnh thức với thế giới xung quanh chúng ta” (Eisner, 2002). Tôi tin rằng, khả năng này sẽ trở thành hiện thực khi chúng ta cung cấp cho các bạn đa dạng những trải nghiệm mà trong đó, một bạn nhỏ được tập trung và kết nối với cả quá trình sáng tạo lẫn thưởng thức nghệ thuật. Ví dụ, qua những chuyến tham quan bảo tàng, việc được xem những tác phẩm nghệ thuật tới từ đa dạng thời kỳ hay nền văn hóa khác giúp mở rộng hiểu biết về lịch sử và văn hóa. Cũng như vậy, khi được tham gia diễn xuất hoặc chỉ cần tới xem một vở kịch với bối cảnh thời kỳ nô lệ ở Mỹ, chúng ta sẽ có thể học thêm về lịch sử, đời sống xã hội, kiến trúc, phục trang, ẩm thực và vô vàn những điều khác nữa.

Nghệ thuật là phương tiện để việc học về thế giới bên ngoài và “khám phá thế giới nội tâm” được diễn ra liên tục (Eisner, 2002). Trẻ em sở hữu niềm yêu thích tự nhiên đối với sáng tạo nghệ thuật và kể những câu chuyện về cuộc sống xung quanh các bạn. Bằng cách truyền tải những ý niệm và cảm xúc thông qua nghệ thuật, các bạn phát triển khả năng cảm nhận những trải nghiệm ý nghĩa và quan trọng đối với chính mình, nhận thức những điều thích hay không thích và thấu hiểu mối quan hệ với mọi người. Hiểu theo cách này, nghệ thuật giúp các bạn, và cả người lớn nữa, nâng cao nhận thức và hình dung về chính mình. Bên cạnh đó, nghệ thuật tạo cơ hội để chúng ta thể hiện cảm xúc, cũng như và làm việc với cảm xúc để tìm cách biểu đạt thông qua đa dạng hình thức như thị giác, thính giác hoặc vận động. Bằng cách này, chúng ta có thể nâng cao khả năng nhận diện và hiểu về những cảm nhận của bản thân đối với một người hoặc một vật.

Nghệ thuật cho chúng ta một “con đường để nhận thức” (Eisner, 2002) về một con người toàn diện, trọn vẹn về cả thể lý, tinh thần và tâm hồn. Khi chúng ta xây dựng được kết nối và nhận thức về chính mình, đây là một bước gần hơn với một cuộc sống thực chất. Trong quá trình đó, những hình thức nghệ thuật mang tính chất vận động như nhảy, múa, chuyển động, diễn xuất, hay diễn thuyết hỗ trợ chúng ta nhận thức tốt hơn về cơ thể chính mình và cải thiện khả năng kết nối và sử dụng cơ thể. Từng chuyển động, từng xúc chạm, và từng cảm xúc khiến kết nối giữa chúng ta với cơ thể và hơi thở mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Được cảm nhận chính mình hoàn toàn và đón nhận từng phần trên cơ thể mình, thực sự là một hành trình ý nghĩa.

Tôi không thể không đề cập tới mối liên kết giữa vẽ và thực hành chánh niệm. Vẽ như một thực hành chánh niệm mở ra không gian để học cách nhìn mọi thứ như nó thực sự là. Thực hành này mời chúng ta quan sát và cảm nhận chính mình trong thế giới xung quanh – không chỉ qua tấm màn của những kiến thức, trải nghiệm hay kỹ năng tích luỹ trước đó – mà ở trong khoảnh khắc ở hiện tại, là những điều đang hiện hữu và gần ngay trước mắt. Là bàn tay, là gương mặt của một người ta yêu quý, là đôi bàn chân đã cùng ta bước đi hàng ngày. Hãy thử ngắm nhìn đôi bàn tay của mình, nhìn lòng bàn tay, nhìn từng đường cong của các ngón tay, nhìn từng nếp nhăn và chỉ tay trên đó. Khi được dừng lại và ngắm nhìn, bên trong bạn đang cảm thấy như thế nào? Đối với tôi, tôi thêm yêu thương đôi bàn tay vì đã luôn đồng hành, và thêm yêu thương chính mình. Bài tập vẽ chánh niệm này, tuy đơn giản, nhưng mở ra cho chúng ta cơ hội để đánh thức sợi dây liên kết với chính mình, và với góc nhìn của bản thân về thế giới.

Rất dễ để chúng ta bị mắc kẹt trong những hiểu biết và niềm tin cố hữu vào thế giới, giống như trong câu chuyện về một chú ếch ngồi trong một cái giếng và chỉ có thể phân biệt được giữa “ruồi” và “những loài vật không phải là ruồi”. Một cách vô thức hoặc không, trong quá trình trưởng thành, sự rập khuôn đã ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận về thế giới: nhìn cuộc sống qua lăng kính của những định kiến, phán xét và giả định (assumption). Niềm tin vào nghệ thuật mở ra không gian để chúng ta được quan sát chính mình và thế giới xung quanh với một tâm thế cởi mở và “trống rỗng”, để hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc, để nuôi dưỡng kết nối sâu với mọi người và với thế giới, và để sống hạnh phúc. Nghệ thuật dạy cho chúng ta những nguyên tắc cơ bản của cuộc sống – được cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp trong cuộc sống thường ngày – chìa khoá mở ra hạnh phúc.

Tôi tin vào chức năng giáo dục và chữa lành của nghệ thuật, và luôn tự nhắc nhở mình xuyên suốt quá trình thực hành giảng dạy để đảm bảo cân bằng giữa học lực và sức khoẻ tinh thần cho học sinh và cho chính mình. Vì hơn hết, tôi tin vào sức mạnh của nghệ thuật – để hoàn thiện nên một con người toàn vẹn.

 

NGUỒN THAM KHẢO:

Eisner, E. W. (2002). The arts and the creation of mind. New Haven: Yale University Press.

Eisner, E. W. (1982). Cognition and curriculum: A basis for deciding what to teach. New York: Longman Inc.

Harvard Medical School (2021, August 14). Giving thanks can make you happier. Harvard Health Publishing. https://www.health.harvard.edu/healthbeat/giving-thanks-can-make-you-happier

hooks, bell. (1994). Teaching to transgress : education as the practice of freedom. Routledge.

Ives, W., & Pond, J. (1980). The Arts and Cognitive Development. The High School Journal, 63(8), 335–340. http://www.jstor.org/stable/40365007

Nachmanovitch, Stephen. (2019). The art of is: improvising as a way of life. New World Library.

Phillips, R. Art Enhances Brain Function and Well-Being. The Healing Power of Art and Artists. https://www.healing-power-of-art.org/art-and-the-brain/

Sắp ra mắt