ĐIỀU GÌ CẢN TRỞ SỨC SÁNG TẠO CỦA TRẺ?

Nếu sáng tạo là một trạng thái tự nhiên ở trẻ em, vậy chuyện gì đã xảy ra khi chúng ta trưởng thành? Rất nhiều người sẽ nhận ra chính mình trong câu chuyện hồi nhỏ của cô Teresa Amabile, hiện đang là chuyên viên sáng tạo. 

“Hồi còn học mẫu giáo, cô Bollier, cô giáo tôi yêu quý nhất, đã tới tận nhà để họp phụ huynh cuối năm học với mẹ. Đương nhiên rồi, tôi sẽ nghe lỏm cuộc trò chuyện này ở căn phòng bên cạnh.” 

Teresa đã rất hào hứng khi nghe cô Bollier nói với mẹ rằng, “Tôi nghĩ Teresa có rất nhiều tiềm năng trong sáng tạo nghệ thuật, và cô giáo mong sẽ được thấy sự phát triển của bạn dần dần qua từng năm.” 

“Lúc đó tôi chẳng biết sáng tạo có nghĩa là gì”, cô Teresa kể lại, “nhưng nghe cũng thú vị đó chứ!” 

“Khi tôi ở trường mẫu giáo”, cô Teresa tiếp tục, “Tôi nhớ rằng mình sẽ luôn chạy ào vào lớp, phấn khích khi ngắm nhìn những chiếc khung tranh và chơi với tất cả chỗ màu sắc sáng rực hay tất cả chỗ cọ vẽ to đùng ấy. Và ở đó, chúng tôi có một cái bàn chứa rất nhiều dụng cụ và nguyên vật liệu để mọi người được tự do vọc vạch. Tôi nhớ những lúc về nhà sau giờ học, tôi sẽ luôn khoe với mẹ rằng con thích chơi với màu sáp, con muốn tô, và con muốn vẽ.” 

Nhưng sau quãng thời gian “đỉnh cao” ở mẫu giáo, hành trình nghệ thuật của Teresa dần tuột dốc. Những năm sau đó, Teresa nhập học ở một ngôi trường truyền thống đầy tính quy củ, và mọi thứ rẽ hướng từ đó. “Thay vì sự tự do như hồi xưa, nghệ thuật giờ chỉ còn là một môn học như những môn khác và gói gọn trong một tiếng rưỡi mỗi buổi chiều thứ 6”, cô kể lại. 

Ngày tháng trôi qua, không hề có bất kỳ thay đổi nào diễn ra trong lớp học mỹ thuật ở tiểu học, mà lại còn tăng thêm phần ngặt nghèo và chán chường. “Chúng tôi sẽ được phát bản sao của một kiệt tác hội họa, mỗi tuần một tấm. Ví dụ như hồi tôi học lớp 2, có một tuần cả lớp đều nhận được bản photo tác phẩm Adoration of the Magi của da Vinci.” 

 SÁNG TẠO CỦA TRẺ

Tác phẩm ‘Adoration of the Magi’ (1481) bởi danh họa Leonardo da Vinci (Link hình: https://en.wikipedia.org/wiki/Adoration_of_the_Magi_(Leonardo)

“Bạn có thể sử dụng hoạt động này khi thực hành thưởng lãm nghệ thuật, nhưng những giáo viên hồi đó lại sử dụng vào mục đích hoàn toàn khác. Chúng tôi sẽ được giao nhiệm vụ phải sao chép tranh bằng những dụng cụ vẽ có sẵn. Thật sự rất bối rối khi những học sinh lớp 2 như chúng tôi phải sao chép tranh của da Vinci khi chỉ có trong tay những tờ giấy mỏng manh và những cây sáp màu của trẻ con!” 

“Kỹ năng của chúng tôi ở độ tuổi này chưa phát triển đủ để hô biến tất cả chỗ ngựa và thiên thần vừa khít trên cùng một trang, còn chưa bàn đến việc khiến chúng nhìn trông có hình thù. Thật sự rất buồn khi bản thân tự thấy sự tệ hại của chính mình đang bị vẽ ra ngay trước mắt.” 

“Chúng tôi không hề nhận được bất kỳ hỗ trợ nào để phát triển kỹ năng. Tệ hơn chứ, chúng tôi được chấm điểm dựa trên mớ hổ lốn đã làm ra. Điều này khiến chúng tôi luôn cảm thấy bị đánh giá. Tôi tự nhận thức được ở thời điểm đó rằng, bản thân dần mất động lực để thực hành nghệ thuật. Và khi trở về nhà, khi thấy dụng cụ vẽ, tôi chẳng còn cảm thấy gì nữa.” 

NHỮNG ĐIỀU CẢN TRỞ SỨC SÁNG TẠO CỦA TRẺ 

Những áp lực tâm lý lên sức sáng tạo của một bạn nhỏ xảy ra từ rất sớm, và có thể bắt đầu ngay từ giai đoạn những năm đầu đời. Hầu hết trẻ em ở mầm non, mẫu giáo và cả lớp 1 đều rất yêu trường học, và các bạn thường thể hiện sự hào hứng trước việc khám phá và học hỏi. Tuy nhiên, khi lên lớp ba hoặc lớp bốn, nhiều bạn dần không tìm thấy niềm vui của đi học hay niềm vui sáng tạo của riêng mình. 

Nghiên cứu của Tiến sĩ Amabile đã chỉ ra những nhân tố sau sẽ góp phần gây cản trở tới sức sáng tạo bên trong trẻ: 

  1. Sự giám sát (Surveillance): Là khi có sự nhòm ngó đằng sau lưng khiến các bạn cảm thấy mình liên tục bị giám sát trong lúc thực hành. Việc trẻ bị quan sát quá nhiều sẽ khiến thôi thúc để thử nghiệm và sáng tạo dần dần trở nên bị thui chột.
  2. Sự đánh giá (Evaluation): Là khi có ai đó khơi dậy cảm giác lo lắng bên trong các bạn nhỏ về cách thức mọi người đánh giá những việc các bạn đang làm. Trẻ em chỉ nên tập trung quan tâm đến mức độ hài lòng của chính mình đối với quá trình và thành phẩm mình làm ra thay vì để ý tới sự đánh giá, phán xét, chấm điểm hoặc những suy nghĩ, ý kiến của người ngoài về các bạn ấy.
  3. Trao thưởng (Rewards): Là khi xảy ra sự lạm dụng phần thưởng, ví dụ như sao, tiền thưởng hoặc đồ chơi. Nếu sử dụng quá nhiều, phần thưởng sẽ khiến trẻ dần mất đi niềm vui tự nhiên tới từ các hoạt động sáng tạo.
  4. Những cuộc thi (Competition): Là khi trẻ bị đặt vào tình huống ép buộc thắng-thua, chỉ có một người được đứng nhất. Một đứa trẻ nên được tạo điều kiện để phát triển theo tốc độ của riêng bạn từ những cuộc thi mang tính chất lành mạnh và giúp nuôi dưỡng tinh thần làm việc theo đội nhóm.  
  5. Kiểm soát quá mức (Over-control): Là việc chỉ cho trẻ cách để làm mọi việc – bài tập, công việc nhà, kể cả khi chơi. Cha mẹ và thầy cô thường nhầm lẫn sự kiểm soát (micromanage) với nhiệm vụ hướng dẫn. Điều này khiến trẻ cảm thấy rằng tính nguyên bản (originality) bên trong các bạn là một lỗi sai và mọi sự khám phá đều là sự lãng phí thời gian.
  6. Giới hạn lựa chọn (Restricting choice): Là khi người lớn hoặc một ai đó quyết định thay trẻ rằng hoạt động nào bạn nên tham gia thay vì để các bạn đi tới nơi mà sự tò mò và đam mê dẫn lối. Hãy để trẻ tự mình lựa chọn điều các bạn quan tâm và hỗ trợ lựa chọn đó tốt nhất có thể.
  7. Áp lực (Pressure): Là khi xảy ra mong muốn thiết lập những kỳ vọng lên cách trẻ thể hiện bản thân. Ví dụ: các chương trình học trước mà bắt buộc trẻ phải làm quen bảng chữ cái hoặc toán học trước khi các bạn tự hình thành sự quan tâm có thể dễ dàng gây phản tác dụng và xây dựng sự trốn tránh với môn học đó.

Tuy vậy, một trong những nhân tố lớn nhất ảnh hưởng sức sáng tạo của trẻ lại quen thuộc và cắm rễ sâu trong văn hóa tới nỗi không ai nhận ra hay phát hiện được, đó chính là thời gian. 

Nếu động lực tự thân là chìa khóa mở ra sức sáng tạo của trẻ thì yếu tố quan trọng nhất trong việc khơi dậy động lực này chính là thời gian – những khoảng thời gian mở (open-ended) để trẻ được cảm nhận và khám phá một hoạt động cụ thể hoặc một nguyên vật liệu để làm bạn với chúng. Có lẽ, một trong ảnh hưởng tệ nhất tới từ người lớn lên sức sáng tạo của trẻ chính là việc tước đoạt đi những khoảng thời gian mở như vậy của các bạn. 

So với người lớn, trẻ em dễ dàng thả trôi mình vào dòng chảy sáng tạo (flow), hay là trạng thái ‘tối thượng’ nhất của sức sáng tạo. Khi đạt trạng thái này, các bạn hòa tan và tận hưởng tối đa tất cả những điều tuyệt diệu của quá trình sáng tạo. Trong dòng chảy này không tồn tại khái niệm về thời gian, chỉ có những khoảnh khắc tưởng chừng như vô tận. Điều khiến trẻ em có thể tận hưởng khoảng không này tốt hơn người lớn đến từ nỗi ám ảnh của người lớn với sự chảy trôi của thời gian. 

“Khoảng thời gian mở là một trong những nguyên liệu chính của sáng tạo”, Ann Lewin, Giám đốc của Bảo tàng Trẻ em Thủ đô của Thành phố Washington D.C. chia sẻ. Không gian của Bảo tàng Trẻ em được thiết kế để khơi gợi dòng chảy sáng tạo bên trong các bạn. Tuy nhiên, Lewin nhận ra nhịp điệu là điểm khác biệt rõ rệt giữa trẻ em và người lớn khi quan sát những vị khách tới thăm bảo tàng, 

“Trẻ em có khả năng “đi lạc” trong tất cả những thứ mà các bạn làm, một việc người lớn khó lòng làm được”, Lewin chia sẻ. “Trẻ em cần cơ hội để làm theo sự thúc giục tự nhiên bên trong các bạn, tài năng của riêng bạn, và đi tới bất kì nơi nào mà các bạn muốn tới.” 

Nhưng thực tế, các bạn luôn bị ngắt quãng và bi tước khỏi sự tập trung sâu, dẫn đến nhu cầu được hoàn thiện tác phẩm bị phá vỡ. Lewin giải thích rằng, “Người lớn có khả năng để lướt và nhìn mọi thứ, nhưng ở nơi đây có hàng trăm thứ sẽ chạm sâu tới các bạn, những thứ mà các bạn nhỏ có thể dành hàng giờ chỉ để ở trong đó. Những lúc này, bạn thấy người lớn sẽ kéo và dắt các bạn nhỏ đi, và nói rằng, “Thế là đủ rồi, dừng lại và đi thôi.” 

“Thật tệ khi bạn đang trong dòng chảy nhưng mọi thứ bị ngừng lại. Nhưng sự vội vã là cách mà chúng ta đang sống. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, việc mà trẻ bị dừng đột ngột khi đang dang dở câu chuyện. Mọi thứ đều được lên kế hoạch. Không có một khoảng thời gian nào để trẻ có thể nghỉ ngơi theo nhịp của riêng mình.” 

“Người lớn luôn quá áp lực, quá bận rộn. Tôi không nghĩ rằng các bạn nhỏ sẽ có đủ thời gian – thường thời gian biểu của các bạn sẽ quá kín đặc hoặc quá buông lơi. Một người sẽ cần cơ hội để duy trì một hoạt động đúng nghĩa là sáng tạo, kể cả khi nó sẽ kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần.” 

“Văn hóa giục giã là một vòng luẩn quẩn của sự gián đoạn. Người lớn bước vào đúng khoảnh khắc sức sáng tạo của các bạn đang tung cánh bay, và quyết định kết thúc nó. Bằng tiếng chuông báo hết giờ học, bằng sự vồn vã của những hoạt động sau giờ học. Bằng lịch trình của cha mẹ áp đặt lên thời gian của trẻ. Trẻ em bị đẩy đi đầy vội vã mà không có một điểm dừng để sự nghỉ ngơi tự nhiên được diễn ra. Hơn tất cả mọi thứ, chính điều này sẽ cản trở sức sáng tạo.” 

Việc tham quan viện bảo tàng chỉ là một ví dụ cho sự mâu thuẫn về thời gian giữa người lớn và trẻ em. Hãy cùng hình dung về một bạn nhỏ đang chơi ở một bãi cát. Bạn cho cát và xô rồi đổ ra, cho vào rồi đổ ra, cho vào rồi lại đổ ra lần nữa. 

“Người ba nổi cáu khi nhìn con mình làm vậy, vì ông chỉ muốn nhanh chóng chuyển sang việc trải xi măng”, Lewin nói. “Đối với mọi hoạt động, một người lớn luôn có hình dung về sản phẩm cuối cùng trong đầu, và bất kì hành động nào mà không dẫn trực tiếp tới đều lãng phí và từ đó, dẫn đến sự khó chịu.” 

Nguồn dịch sách: Goleman, D, Ray, M & Kaufman, P (1992). Nurturing Creativity trong The Creative Spirit, pp.60-64.